Xuất bản thông tin

null Hội quán cá giống nước ngọt hợp tác cùng phát triển

Chi tiết bài viết Thông tin tuyên truyền (2)

Hội quán cá giống nước ngọt hợp tác cùng phát triển

Với lợi thế đầu nguồn sông Tiền, nhiều cơ sở cá giống nước ngọt ở xã Phú Thuận B hình thành và phát triển, với các loài cá giống thế mạnh như: Cá tra, cá lăng nha, cá nàng hai, cá chốt, cá heo nước ngọt v.v… Hội quán cá giống nước ngọt huyện Hồng Ngự ra đời tại xã Phú Thuận B trở thành ngôi nhà chung cho các hộ dân bắt tay hướng đến mục tiêu liên kết, hợp tác cùng phát triển.

Vùng nuôi cá nước ngọt huyện Hồng Ngự

Phú Thuận B là một xã cù lao của huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nằm dọc sông Tiền với chiều dài khoảng 12km. Lợi thế địa lý tiếp giáp và giao thương với các địa phương trong huyện, cũng như thành phố Hồng Ngự và thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Diện tích tự nhiên trên 2.400ha. Xã có 03 ấp với 4.382 hộ. Trên 55% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó diện tích nuôi thủy sản gần 278ha, trong tổng số 581 ha diện tích thả nuôi hàng năm của toàn huyện Hồng Ngự.

Ép cá tra giống

Tận dụng lợi thế đầu nguồn sông Tiền, từ lâu, việc chăn nuôi và sản xuất cá giống nước ngọt các loại được người dân xã Phú Thuận B thực hiện như một mô hình kinh tế chủ lực. Đến nay, địa phương đã phát triển lên trên 50 cơ sở sản xuất cá giống, với số lượng trên 1 triệu 600 ngàn con, cung cấp m sản lượng cá bột hàng năm cho thị trường trong tỉnh và ĐBSCL trên 150 triệu con bột, mang lại tổng thu nhập gần 174 tỷ đồng cho người nuôi. Đây cũng chính là mô hình sản xuất giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế.

Bên cạnh các loại cá nước ngọt đặc trưng, không thể không nhắc đến mô hình sản xuất cá tra giống. Xã Phú Thuận B nói riêng, huyện Hồng Ngự nói chung được biết đến là địa chỉ cung cấp cá tra giống hàng đầu của tỉnh và Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm trên 60% cơ sở trong tỉnh.

Ông Bùi Thanh Chúng, Xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết:

“Qua thời gian được các nhà khoa học, nhất là Viện Thủy sản 2 hỗ trợ con giống tốt cho bà con vùng nuôi đã góp phần tạo ra lượng con giống chất lượng cung cấp cho thị trường. Nghề nuôi cá giống đã tạo ra công ăn việc làm và giúp cho nền kinh tế của địa phương phát triển”.

Tuy nhiên, những năm gần đây, không nằm ngoài quy luật cung cầu, quá trình sản xuất giống thủy sản nước ngọt của nhiều hộ dân địa phương cũng đối mặt với những thách thức của nền kinh tế hàng hóa. Việc sản xuất và cung ứng giống thủy sản mang tính tự phát, đơn lẻ thường xuyên đối mặt với rủi ro, giá cả con giống bấp bênh. Kỹ thuật chăn nuôi dựa vào kinh nghiệm là chính, gặp thời tiết bất lợi tỷ lệ hao hụt cao, con giống chưa đạt chất lượng nên hiệu quả sản xuất chưa như mong muốn. Những khó khăn đó đã được chính những người trong cuộc nhìn nhận. Nhưng để giải quyết nó không còn là câu chuyện của một cá nhân, một cơ sở giống độc lập.

Anh Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ Cơ sở cá tra bột Hoàng Sơn xã Phú Thuận B huyện Hồng Ngự chia sẻ:

“Sản xuất nhỏ lẽ mình không tiếp cận được với các doanh nghiệp lớn nên đầu vào và đầu ra cá giống đều khó khăn. Mỗi cơ sở phải tự thân vận động. Trong khi nhu cầu của doanh nghiệp là số lượng lớn”.

Ông Trương Văn Điền, Chủ Cơ sở cá giống Phú Điền xã Phú Thuận B huyện Hồng Ngự cho biết thêm: “Sản xuất nhỏ lẽ rất khó cho chuỗi cung ứng. Chúng ta cần ngồi lại để trao đổi và tháo gỡ những khó khăn mới tiến kịp thị trường”.

Để hỗ trợ và định hướng cho nghề chăn nuôi và sản xuất cá giống nước ngọt phát triển bền vững, thành lập Hội quán chính là chủ trương được Đảng bộ, chính quyền địa phương quán triệt nhất quán. Sau quá trình vận động, Hội quán cá giống nước ngọt huyện Hồng Ngự có 46 thành viên tham gia.

Thực tế chứng minh, suốt hành trình 6 năm kể từ khi chủ trương thành lập Hội quán đầu tiên của tỉnh nhà khẳng định Hội quán chính là mái nhà chung của người dân cùng bàn bạc, hợp tác sản xuất và tìm tiếng nói chung. Đây cũng chính là tinh thần cốt lõi mà xã Phú Thuận B cũng như huyện Hồng Ngự mong muốn tạo dựng cho bà con nghề cá giống nước ngọt.

Ông Phạm Ngọc Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết:

“Mục đích của Hội quán nhằm tập hợp những hộ dân chăn nuôi cùng chia sẻ tạo ra những sản phẩm chất lượng để liên kết với Công ty, Doanh nghiệp. Xu thế hiện nay liên kết tiêu thụ là tất yếu. Bởi nếu chúng ta cứ sản xuất nhỏ lẻ thì đến bao giờ con cá giống nước ngọt của địa phương mới vươn xa.”

Hội quán còn là nơi để nông dân tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, thảo luận tìm ra những mô hình mới, cách làm hay mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương tạo nền tảng cho nông nghiệp phát triển góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Huyện hướng tới bền vững.

Sự nỗ lực và quyết tâm thành lập Hội quán hôm nay của Đảng bộ, chính quyền địa phương từ huyện đến xã sẽ mở ra tiền đề nền tảng cho quá trình hiệp sức lại cùng hợp tác sản xuất, mua chung bán chung. Nhưng để làm nên một tập thể đủ mạnh, cùng vượt qua những rào cản trong sản xuất, theo kịp nền kinh tế thị trường đòi hỏi mỗi cá nhân dám mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Muốn phát triển bền vững hãy đừng đi nhanh một mình mà chúng ta hãy bắt tay lại và đi xa cùng nhau.

Minh Thi