Xuất bản thông tin

null Hồng Ngự tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Trang chủ Tin hoạt động

Hồng Ngự tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Dù là huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân huyện Hồng Ngự đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới suốt chằng đường vừa qua.

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

          Nhìn lại từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai năm 2010, các xã trong huyện chỉ đạt từ 04 đến 09 tiêu chí. Song qua hơn 10 năm nỗ lực thực hiện chương trình, đến nay, huyện Hồng Ngự có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Thường Phước 2, Thường Lạc, Long Thuận). Ba xã đạt 19/19 tiêu chí, tỉnh đã tổ chức thẩm tra, chuẩn bị thông qua Hội đồng cấp tỉnh (Thường Phước 1, Phú Thuận A, Phú Thuận B). Ba xã diện đạt từ 15 đến 16 tiêu chí (Thường Thới Hậu A, Long Khánh A, Long Khánh B). Phấn đấu đến năm 2023, trên địa bàn huyện đạt 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2025 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

          Về thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp trên địa bàn huyện Hồng Ngự đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch lựa chọn 05 ngành hàng chủ lực gồm: Lúa - gạo, Bò sinh sản - Bò vỗ béo, cá tra giống, cây công nghiệp ngắn ngày, rau củ an toàn và bổ sung thêm ngành hàng vịt. Trong điều kiện có nhiều khó khăn song được sự quan tâm, giúp đỡ của các Sở ngành tỉnh, sự chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, kinh tế nông nghiệp đạt nhiều kết quả.

          Trong đó, tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất ngành nông - lâm - nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân ước đạt 3,62%/năm (vượt 0,99%/năm so với chỉ tiêu). Giá trị sản xuất tăng bình quân ước đạt 3.261 tỷ đồng (vượt 116 tỷ đồng so với chỉ tiêu). Thu nhập bình quân đầu người đạt 48,5 triệu đồng (vượt 8,5 triệu đồng so với chỉ tiêu). Lĩnh vực trồng trọt từng bước nâng dần sản lượng lên chất lượng. Diện tích sạ hàng, sạ thưa và áp dụng biện pháp giảm giá thành đạt từ 70-82% diện tích. Cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt 100% diện tích,  99% giảm tổn thất sau khi thu hoạch, 90% diện tích tưới tiêu bằng bơm điện, liên kết tăng dần qua hàng năm, cơ bản được ổn định, đạt  từ 2.500 đến trên 3.000 ha. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao được người dân áp dụng như: Trồng dưa lưới trong nhà màng, rau trong nhà lưới... Đến nay, diện tích sản xuất rau theo hướng an toàn đạt 1.280 ha (có 14,1 ha sản xuất rau an toàn có giấy chứng nhận VietGAP).

          Những khó khăn cũng được chỉ ra như: các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, loại hình kinh tế hợp tác (HTX, THT) phát huy hiệu quả chưa cao; Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa đa dạng về sản phẩm, còn mang tính thời vụ và chưa bền vững. Tiềm năng cây trồng, vật nuôi, đất đai và một số sản phẩm chủ lực có lợi thế chưa được khai thác; Sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ. Địa phương chưa thu hút được nhà đầu tư lớn về lĩnh vực nông nghiệp để đẩy mạnh phát triển ngành hàng lợi thế của mình. Công tác vận động xã hội hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở một số xã và vốn huy động từ các doanh nghiệp còn hạn chế.

           Từ những tồn tại này, UBND huyện đã đề ra các giải pháp trong thời gian tới là tập trung chỉ đạo các xã đạt chuẩn duy trì và nâng chất 19 tiêu chí, lựa chọn 01 ấp của 03 xã Thường Phước 1, Phú thuận A, Phú Thuận B thực hiện ấp xây dựng nông thôn mới nâng cao, rà soát đánh giá hiện trạng các xã diện giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2023 huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2025.

          Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã ban hành đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghiên cứu xây dựng và bổ sung các chính sách của huyện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trên địa bàn huyện; Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với Đề án Tái cơ cấu, lựa chọn quy hoạch các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

          Hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ gắn với kết nối với thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững; Tiếp tục triển khai thực hiện mô hình liên kết và tiêu thụ nông sản thông qua Hợp tác xã, Tổ hợp tác là cầu nối đại diện của nông dân tham gia các liên kết với các công ty, doanh nghiệp.

          Việc phát triển sản xuất gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được huyện xác định là khâu then chốt trong hoàn thành các tiêu chí Nông thôn mới. Thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội.

          Gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thônmới với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình khởi nghiệp và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm tạo ra những đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

          Tập trung huy động lồng ghép các nguồn lực vào xây dựng nông thôn mới, phát huy thế mạnh của địa phương; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng về xây dựng nông thôn mới, trong đó phát huy hiệu quả phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “xây dựng gia đình 5 không    3 sạch” bằng các hành động, mô hình cụ thể.