Xuất bản thông tin

null Tận dụng nguồn rơm, rạ thu lợi kép

Chi tiết bài viết Thông tin tuyên truyền (2)

Tận dụng nguồn rơm, rạ thu lợi kép

Nông dân Đồng Tháp đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa thu đông năm 2020 - 2021 với nhiều tín hiệu khởi sắc. Bên cạnh nguồn thu chính từ lúa nguyên liệu, thời gian gần đây, trước nhu cầu sử dụng rơm ngày càng nhiều, bà con tận dụng các phụ phẩm từ rơm, rạ sau thu hoạch. Việc làm này vừa giúp bà con tăng thu nhập vừa cải tạo đất vụ sau.

Rơm khô được thu mua chở đi tiêu thụ

        Đến nay, nông dân trong Tỉnh đã thu hoạch lúa đông xuân được trên 165 ngàn ha, trong tổng số 196 ngàn ha, đạt khoảng 85% diện tích. Đây được xem là vụ sản xuất thắng lợi nhất trong hơn chục năm qua. Bên cạnh nguồn thu từ lúa, nông dân trong tỉnh còn chủ động bán rơm khô vừa tăng thu nhập, giảm chi phí xử lý đất chuẩn bị cho vù hè thu. Đặc biệt, bán rơm khô sẽ giúp nông dân đỡ phải thu gom rơm, đốt đồng gây nhiều rủi ro trong sản xuất cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân và môi trường xung quanh.

        Hiện tại rơm khô được thương lái thu mua từ 300 - 600 ngàn đồng/1ha, tùy đường đi vận chuyển.  Riêng gốc rạ và lúa còn sót lại trên đồng sẽ cho các hộ nuôi vịt chạy đồng thuê để chăn thả thịt. Việc làm này sẽ giúp ruộng hạn chế ốc bươu vàng trên đồng ruộng trong vụ hè thu.

Không chỉ người nông dân bán rơm khô tăng thu nhập mà các những người cuộn rơm thuê hay các thương lái cũng lợi nhuận không kém. Sau khi mua, thương lái tiến hành cuộn rơm thành bó, trọng lượng mỗi bó khoảng 13kg - 15kg. Số rơm này được bán cho người đến tận nơi thu mua với khoảng 19 - 20.000đ/bó, để ủ cây, hoa màu hay làm thức ăn gia súc, hoặc chở đi tiêu thụ ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre hay miền Đông Nam Bộ với giá 25.000 đồng/cuộn. Bà Lê Thị Huệ, thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết:

“Tôi mua rơm cũng mấy năm nay, chở đi tiêu thụ thành phố, Đồng Nai. Chi phí mua đồng, thuê cuộn, vận chuyển mỗi cuộn khoảng 15 ngàn, mình mang đi bán 16 ngàn – 18 ngàn đồng. Rơm ướt giá rẻ, rơm khô giá cao hơn”.

Thời gian gần đây ở Đồng Tháp, sợi rơm khô còn được đưa vào làm chất liệu cho các tác phẩm nghệ thuật. Những sản phẩm handmade hay tranh từ nguyên liệu rơm được anh Đặng Vũ Linh, một thầy giáo trẻ ở xã Thường Lạc huyện Hồng Ngự sáng tạo nên được thị trường ưa chuộng. Những sợi rơm khô vô tri bỗng trở nên có hồn qua bàn tay khéo léo của anh. Những sản phẩm này đang dần có mặt tại các Hội nghị, phòng họp đến những góc trang trí ở điểm du lịch, văn phòng, nhà ở…Anh Đặng Vũ Linh, xã Thường Lạc huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp chia sẻ:

“Rơm ngoài công dụng làm thức ăn, phân bón, ủ nấm, rơm cũng có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Cọng rơm thường có 3 màu chính. Màu trắng sẽ làm cho bức tranh sáng hơn, màu nâu tối ở những mảng tối và màu vàng là điểm nhấn cho bức tranh trở nên sinh động hơn. Nguồn rơm thì không sợ nó hết vì là huyện nông nghiệp nên có mọi nơi”.

Đồng Tháp có tổng diện tích sản xuất lúa hằng năm trên 500 ngàn ha với nguồn rơm rạ sau thu hoạch dồi dào. Tuy nhiên trong thực tế việc tận dụng nguồn phụ phẩm này còn hạn chế. Các ngành chuyên môn chỉ ra rằng, nguồn rơm khô có thể tạo ra các chế phẩm sinh học phục vụ lại sản xuất. Nếu sử dụng hợp lý, bà con nông dân có thể hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học trong vụ tiếp theo. Điều này không chỉ giúp bà con giảm chi phí sản xuất mà về lâu dài còn góp phần giảm bớt khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường tự nhiên.

Minh Thi