Xuất bản thông tin

null Lưu ý khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ

Chi tiết bài viết Thông tin tuyên truyền (2)

Lưu ý khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ

Từ tháng 11/2021, Đồng Tháp sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em địa bàn tỉnh. Việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 sẽ được thực hiện trước với trẻ ở độ tuổi từ 16 – dưới 18 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Để thông tin về những lưu ý khi tiêm vắc xin, việc chăm sóc và theo dõi sức khỏe sau tiêm, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp có cuộc trao đổi với Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Thị Minh Ái - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Thị Minh Ái

Phóng viên: Thưa bác sĩ! Được biết, vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho trẻ từ 12 – dưới 18 tuổi được Bộ Y tế công bố là vắc xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech sản xuất. Bác sĩ có thể cho biết, với vắc xin này đã có những thông tin về hiệu quả bảo vệ hay phản ứng sau tiêm như thế nào?

Bác sĩ Trần Thị Minh Ái: Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc. Vắc xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech sản xuất được Tổ chức Y tế thế giới thông qua chấp nhận sử dụng vắc xin trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 31/12/2020. Vắc xin này đã được nhiều quốc gia trên thế giới cấp phép lưu hành và sử dụng.

Tại Việt Nam, vắc xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người từ 18 tuổi trở lên từ 95 - 98% sau khi tiêm liều thứ 2 khoảng 7 ngày. Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em trong lứa tuổi từ 12 - 17.

Phóng viên: Vậy quy trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ sẽ như thế nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trần Thị Minh Ái: Quy trình tiêm chủng được Bộ Y tế quy định theo Công văn số 8688/BYT-DP về việc triên khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em trong lứa tuổi từ 12 - 17. Các hoạt động liên quan đến tổ chức tiêm chủng được thực hiện theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT của Bộ Y tế và Nghị định số 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, quy trình thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 gồm: Khai báo y tế, đo thân nhiệt; hoàn thiện phiếu đồng ý tiêm chủng; sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng; tiêm chủng; theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm và hướng dẫn theo dõi phản ứng sau tiêm tại nhà.

Phóng viên: Bác sĩ có lưu ý gì cho các phụ huynh khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin?

Bác sĩ Trần Thị Minh Ái: Trước khi tiêm chủng, phụ huynh cần ký Phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ, đồng thời chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng và phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng theo hướng dẫn của nhân viên y tế tiêm chủng.

Khi đưa trẻ đi tiêm ngừa, các phụ huynh cần chủ động cung cấp cho nhân viên y tế khám sàng lọc đầy đủ thông tin của trẻ như: Tình trạng sức khoẻ hiện tại, các bệnh cấp tính đang mắc; có tiền sử dị ứng hoặc phản vệ với bất kỳ tác nhân (thuốc, vắc xin, thức ăn v.v.); tiền sử mắc phải các bệnh mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, các bệnh tim mạch mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn (COPD), bệnh thần kinh mạn tính v.v.), rối loạn đông máu/cầm máu (chảy máu khó cầm v.v.); có tiêm/uống vắc xin trong vòng 14 ngày qua; đã từng nhiễm vi rút SARS-COV-2 hoặc mắc Covid-19. Nếu là tiêm lần 2, cung cấp thông tin loại vắc xin và ngày tiêm mũi 1 cũng như các phản ứng gặp phải sau tiêm.

Phóng viên: Những phản ứng và chế độ dinh dưỡng, theo dõi sau tiêm cho trẻ sẽ như thế nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trần Thị Minh Ái: Với vắc xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech sản xuất, phản ứng phụ phổ biến là đau tại vị trí tiêm, đau người, ớn lạnh hoặc sốt kèm theo. Dữ liệu về phản ứng nặng hơn như phản vệ có ghi nhận song rất ít.

Trước và sau tiêm, chế độ dinh dưỡng của trẻ giống như bình thường, cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và dễ tiêu hóa. Nên cho trẻ uống đủ nước, nhất là trong trường hợp có sốt. Cần theo dõi các dấu hiệu phản ứng phụ sau tiêm, nhất là trong 07 ngày đầu. Liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất khi có dấu hiệu bất thường.

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!

Văn Khương

Nguồn: dongthap.gov.vn