Xuất bản thông tin

null Thuận theo con nước

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

Thuận theo con nước

           Cứ như một quy luật, tháng 7, tháng 8 âm lịch hàng năm mùa nước nổi lại tràn đồng. Nông dân miền Tây lại gác chuyện đồng áng, mưu sinh theo con nước. Nước nổi về sớm hay muộn, cao hay thấp, bà con cũng có phương án để sống chung. Sự hào sảng này cũng làm nên một nét đặc trưng vùng miền khó có thể lẫn vào đâu được.

Không khí mưu sinh trên cánh đồng nước nổi xã Thường Thới Hậu A

          Cánh đồng biên giới Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, một sớm bình minh, mọi hoạt động đánh bắt cá đã được bắt đầu. Gia đình ông Tiên đã bước vào mẻ lưới kéo thứ hai. Tổng cộng sáu thành viên gồm người lớn và trẻ em đều rành r từng động tác một. Mẻ lưới cá lòng tong chừng 10 kg, chưa phải là trúng lắm nhưng đủ để mọi người có thêm động lực cho những mẻ lưới tiếp theo. Ông Bùi Triều Tiên xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết:

          Nước cỡ chừng đầu gối hay tới ngực, thấy có cá là mình đi đánh. Cá có dư mình bán, còn không dư mình ủ nước mắm. Lưới này thường bắt cá linh, cá lòng tong. Năm nay chưa thấy cá linh, chứ năm ngoái đánh nhiều lắm. Nước mà sâu lên mới có cá nhiều, hay khi nước cầm lại mình đánh mới trúng. Năm nay nước về trễ, cá linh chưa có”.

          Tại vùng biên giới này, mỗi gia đình đã chọn cho mình những phương án để làm sinh kế trong hai mùa: mùa không và mùa nước nổi. Bên cạnh các phương tiện, ngư cụ đánh bắt cá như giăng lưới, đặt dớn… thì kéo lưới cũng là một hình thức phổ biến của người dân nơi đây. Hoạt động này mất nhiều thời gian và công sức hơn, nhưng bù lại sản vật đánh bắt được cũng nhiều hơn. Bà con thường chỉ đầu tư dàn lưới kéo, còn lại chủ yếu lấy công là lời. Ông Bùi Triều Tiên xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết:

          Sắm dàn lưới này cũng mấy triệu. Mình xài kỹ được 04 – 05 mùa. Ví dụ nó có rách chỗ nào mình vá lại chỗ đó, xài rách quá thì bỏ sắm lại lưới khác. Chuyến đi mình mua xăng chừng 70 - 80 ngàn. Mình chạy vòng vòng xem chỗ nào có cá thì đánh. Xuồng mình nhỏ nên mình phải đi hai chiếc mới chở hết đồ. Gặp sóng gió là chìm, mỗi lần chìm là vướng vào bờ để tát nước. Nghề này cực lắm nhưng không làm thì lấy gì sống. Ở xứ này, mùa nước, mình làm nghề con cá, còn mùa khô mình đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy như vác lúa, xịt thuốc…”.

          Theo nhận định của Ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, mực nước lũ năm nay tuy cao hơn đỉnh lũ năm 2021 khoảng 10 – 30cm và về muộn. Dù đã bước sang tháng 8 âm lịch nhưng quan sát tại khu vực nội đồng xã Thường Thới Hậu A, nơi đón lũ sớm nhất tỉnh, mực nước chỉ cao trung bình khoảng 1m. Do vậy lượng thuỷ sản theo con nước về vẫn chưa nhiều. Dù vậy người dân nơi đây đã linh hoạt với phương thức đánh bắt để làm phong phú thêm bữa ăn gia đình và kiếm thêm thu nhập trong mùa nước nổi.

          Năm nay huyện đầu nguồn Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp chủ trương xả lũ trên toàn diện tích đất trồng lúa với hơn 10.000hecta. Thời điểm này, tại các khu vực gò cao, nước cũng ngấp nghé tràn đồng. Bà con đầu nguồn ngoài mong chờ những chuyến đánh bắt nhiều sản vật, còn hy vọng nước lũ sẽ mang dòng phù sa về tắm mát cho đồng ruộng. Những mãnh ruộng cuối cùng cũng được bà con trục trạc đất sẵn sàng đón con nước tràn đồng. Đất được nghỉ ngơi sẽ là tiền đề thuận lợi cho những vụ mùa mới.

Minh Thi