Xuất bản thông tin

null Xả lũ vào đồng ruộng mang lại lợi ích kép

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

Xả lũ vào đồng ruộng mang lại lợi ích kép

Năm nay, nhiều ô bao sản xuất ở Đồng Tháp xả lũ đón phù sa. Trong đó huyện đầu nguồn Hồng Ngự, sau nhiều năm sản xuất vụ 3 trong đê bao khép kín cũng đã đưa ra chủ trương hợp lòng dân, đó là xả lũ toàn đồng với diện tích trên 11 ngàn hecta. Gác lại lúa vụ 3, bà con vùng đầu nguồn vẫn có sinh kế mới. Nước lũ tràn đồng bà con phấn khởi khai thác thủy sản, và an tâm khi đồng ruộng được nghỉ ngơi tạo tiền đề thuận lợi cho những vụ sản xuất sau.

Xã lũ vào các cánh đồng

Tại cánh đồng 2.600 hecta ở thị trấn Thường Thới Tiền và xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự mùa này toàn nước là nước. Trước đó, vừa thu hoạch xong lúa hè thu, nông dân đã tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, cày xới đất cho nước lũ tràn đồng. Với kinh nghiệm này, lượng phù sa bám lại đất nhiều hơn. Dinh dưỡng được tái tạo sẽ là tiền đề thuận lợi cho vụ sản xuất đông xuân tới. Ông Phạm Thành Nhi, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết:

“Đất sản xuất lâu năm không có phù sa, thiếu dinh dưỡng năm nay có chủ trương xả lũ để khắc phục tình trạng này. Trước đó, địa phương cũng đã họp dân công bố chủ trương xả lũ và thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm. Nhìn chung bà con cũng đã có chủ động”.

Ông Võ Văn Dạo, thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết:

“Xả lũ lấy phù sa mà gặp thời tiết tốt nữa thì làm vụ đông xuân nó nhẹ. Tính 01 hecta nếu làm không xả lũ chi phí 10 – 11 triệu, còn có xả lũ thì khoảng 7,5 – 08 triệu đồng chi phí phân bón vật tư. Hồi trước phân urê có 350 – 400 ngàn/1bao, còn bây giờ 900 – 950 ngàn/1bao”.

Những vụ mùa vừa qua, chi phí sản xuất tăng, nhất là giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gây khó khăn lớn cho người trồng lúa. Ở những đê bao khép kín, sản xuất liên vụ, bài toán giá thành tăng, lợi nhuận giảm cũng khiến nhiều nông dân than vãn. Với khu đê bao này (khu 2.600hecta), đã bốn năm liên tục chưa có lũ. Do vậy chủ trương mở đồng đón lũ của chính quyền địa phương được nông dân đồng tình cao. Ông Bùi Văn Tâm, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết:

“Năm nay xả lũ người dân đồng tình vì vật tư lên giá, sản xuất lúa năng suất giảm và giá lúa cũng thấp nên dân cũng muốn xả lũ. Có nước lũ thì vụ đông xuân mình làm năng suất sẽ cao hơn vì đất có phù sa vô. Vì đất ở đây cũng đã 4 – 5 năm không có lũ rồi, làm thì cũng được nhưng năng suất không có”.

Một năm gác lại lúa vụ 3, nông dân đầu nguồn vẫn có cách để tìm sinh kế mới. Xuống đồng đánh bắt thủy sản vào mùa nước nổi cũng là việc làm phổ biến mùa này. Mỗi gia đình một loại ngư cụ, giăng lưới, đặt dớn, lợp tôm, lợp cua... vừa trang trải bữa ăn gia đình, vừa kiếm thu nhập mùa nước nổi. Ông Võ Văn Dạo, thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết:

“Mùa khô tôi làm 15 công lúa. Xả lũ nước lên đồng mình đi giăng lưới kiếm cá, ít thì ăn, nhiều thì bán.  Cũng không đến nỗi, mùa nào cũng có công ăn chuyện làm, nếu mình chịu làm thì có ăn, như đi giăng lưới, đào chuột, đặt lợp”.

Người miền Tây vốn siêng năng, chịu khó, gác lại sinh kế này bà con tìm sinh kế mới. ChỦ trương xả lũ cũng là cách làm phù hợp với quy luật tự nhiên, để đất được nghỉ ngơi, đón phù sa, bà con được khai thác thủy sản từ mùa nước nổi. Bên cạnh đó, địa phương cũng có phương án điều chỉnh lịch thời vụ chung, thuận lợi cho công tác quản lý sản xuất nông nghiệp những vụ tiếp theo.

Minh Thi