Xuất bản thông tin

null Đổi mới sáng tạo - yếu tố thúc đẩy nông nghiệp ĐBSCL

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

Đổi mới sáng tạo - yếu tố thúc đẩy nông nghiệp ĐBSCL

Tập trung đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp có thể cải thiện bức tranh kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thậm chí "tăng phi mã".

Ngày 30/9, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022. Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia, nền kinh tế - thuộc nhóm tiến bộ lớn nhất thập kỷ qua. Dù giảm 4 bậc so với 2021 (thứ 44), Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 3 Đông Nam Á, sau Singapore (7), Thái Lan (43).

Theo các chuyên gia, để tiếp tục cải thiện, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần nhìn tổng thể của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tập trung vào các trường đại học, viện nghiên cứu. Đồng thời chú trọng doanh nghiệp để truyền tải tri thức cho phát triển kinh tế xã hội, qua đó đổi mới đầu ra.

Cụ thể, Việt Nam cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ để lan tỏa nó trong doanh nghiệp, kết hợp nền tảng có sẵn tiên tiến của thế giới, qua đó nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, cần tăng cường năng lực quản lý, quản trị khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo và đầu tư nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực này.

Theo đó, 5 lĩnh vực trọng điểm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gồm: sản xuất thông minh; công nghệ tài chính và bảo hiểm; công nghệ nông nghiệp và thực phẩm; tiếp thị và bán hàng; công nghệ Blockchain, Tokenomics, Metaverse.

Với định hướng trên, nông nghiệp là một trong những ngành được các Bộ, ban ngành tạo điều kiện đổi mới sáng tạo, khuyến khích ứng dụng công nghệ nhiều nhất. Trong đó, ĐBSCL đóng vai trò quan trọng.

Tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐBSCL năm 2022 (Techfest Mekong 2022) hồi tháng 10, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ -cho biết ĐBSL là một trong 7 vùng kinh tế của cả nước, có nhiều tiềm năng. Nơi đây đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu và gần 70% sản lượng trái cây của cả nước.

"ĐBSCL có tiềm năng khoa học công nghệ, hội tụ đội ngũ trí thức, nhà khoa học, là nơi tập trung đông các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm ứng dụng, thực nghiệm, các tổ chức khoa học công nghệ...", ông Trường nói. Đây là điều kiện để khoa học công nghệ phát triển, hỗ trợ tốt nhất cho các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

13 tỉnh, thành ĐBSCL được khuyến khích quy hoạch các vùng nông nghiệp lợi thế của địa phương nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với quy mô lớn, từ đó xây dựng và hình thành vùng tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Để đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ra thị trường ngoài tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở cũng tham gia các hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP.

Mới đây, lãnh đạo ban ngành cũng công bố quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành. Một trong những điểm nhấn là thay đổi tư duy về an ninh lương thực, từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản - trái cây - lúa gạo, phù hợp với thị trường. Trong đó, sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch.

Để hỗ trợ liên kết vùng, Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn Vùng ĐBSCL được thành lập tại TP Cần Thơ.

Người dân thu hoạch lúa ở Tân Lập, Mộc Hóa. Ảnh: Lê Hoàng Thái

Với mong muốn giải quyết bài toán trọng tâm là chuyển đổi nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững để tạo bứt phá cho kinh tế vùng, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn Mekong Startup 2022.

Mekong Startup 2022 có sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ với cố vấn nội dung của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và đơn vị truyền thông Báo VnExpress. Chuỗi hoạt động diễn ra từ ngày 19 đến 20/12 với 4 phiên gồm: giới thiệu các công nghệ mới của ngành nông nghiệp; tư vấn chia sẻ cùng các doanh nghiệp start-up; nghị sự xoay quanh chuỗi ngành hàng trọng điểm của khu vực; khép lại với phiên toàn thể.

"Với chủ đề 'Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp', mục tiêu chính của chương trình là hướng đến giảm biến đổi khí hậu, hạn chế ảnh hưởng nặng nề từ quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp giữ vị trí trung tâm theo định hướng bền vững, hiện đại và đổi mới sáng tạo", đại diện ban tổ chức nhấn mạnh.

Thông qua diễn đàn, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng sẽ tập hợp tiếng nói, nguồn lực của cả khu vực công và tư nhân; kết nối, hợp tác, thúc đẩy và gắn kết các xu hướng đổi mới sáng tạo với mô hình kinh doanh truyền thống của vùng để tạo ra lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp lẫn kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp miền Tây.

Diễn đàn sẽ chứng kiến việc ký kết giữa các tỉnh miền Tây và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, giữa bối cảnh Chính phủ hiện thực hóa những cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP 26.

Nguồn: dongthap.gov.vn