Xuất bản thông tin

null Phát huy vai trò của địa phương trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi

Chi tiết bài viết Tin tức

Phát huy vai trò của địa phương trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi

Thường Phước 2 là xã nông thôn mới của huyện Hồng Ngự, đang tiến tới xã nông thôn mới nâng cao. Việc tập trung củng cố, nâng chất các tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia được địa phương chú trọng thực hiện. Trong đó, tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người đang là nỗi trăn trở của Đảng Ủy, UBND xã. Xác định vai trò nòng cốt của cấp ủy, chỉnh quyền địa phương, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Thường Phước 2 luôn quan tâm triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế công tác giảm nghèo đến với người dân. Từ đó, giúp bà con chủ động vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Người dân xã Thường Phước 2 vay vốn chăn nuôi bò

Theo thống kê của địa phương, nhu cầu vay vốn của nhân dân còn rất lớn, nhất là vốn cho vay giải quyết việc làm. Nên từ sự quan tâm phân bổ thêm nguồn vốn  Ban Đại diện Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, xã Thường Phước 2 đã chú trọng bình xét, tạo điều kiện để các hộ gia đình có nhu cầu tiếp cận vốn phát triển kinh tế, thông qua việc mở rộng sản xuất, chăn nuôi, mua bán, góp phần nâng cao thu nhập người dân.

Đến nay, xã đã duy trì 04 hội, đoàn thể cùng nhận ủy thác với NHCSXH tại 03/03 ấp, cùng 20 Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Qua thời gian thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và gia đình chính sách của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, tổng dư nợ 10 chương trình tín dụng chính sách của xã Thường Phước 2 trên 26 tỷ đồng, với 1.082 hộ vay, có 95% tổ vay vốn đạt loại tốt, khá.

Để thực hiện hiệu quả chính sách này, Đảng ủy, UBND xã luôn bám sát sự chỉ đạo của Huyện Uỷ, HĐND, UBND huyện. Qua đó, địa phương đã triển khai toàn diện các nội dung thuộc đơn vị quản lý, phối hợp với NHCSXH huyện và các phòng, ban ngành huyện trong việc thực hiện tín dụng chính sách với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trên cơ sở đó, Ban Giảm nghèo xã không ngừng được củng cố và kiện toàn nhằm nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc cho UBND xã phê duyệt danh sách hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay vốn NHCSXH; thực hiện tốt chế độ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong kỳ, những khó khăn, hạn chế trong tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng trên địa bàn tại các kỳ họp Ban Đại diện.

Ngoài ra, Ban Giảm nghèo, Trưởng các ấp phối hợp các hội, đoàn thể nhận ủy thác, thường xuyên nắm bắt nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, phân bổ nguồn vốn đến từng ấp phù hợp với điều kiện và nhu cầu vay vốn, quản lý chặt chẽ vốn tín dụng chính sách trên địa bàn; theo dõi, giúp dỡ người vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc người vay trả gốc, trả lãi ngân hàng đầy đủ, đúng hạn; tổng hợp nhu cầu vốn tín dụng hàng năm trình Ban đại diện Huyện, phân bổ các nguồn vốn vay khi có thông báo của UBND huyện tới các ấp.

Việc NHCSXH huyện trực tiếp giao dịch tại UBND xã là điểm sáng của NHCSXH. Điểm giao dịch vừa là nơi công khai chủ trương về tín dụng chính sách để nhân dân được biết, vừa là nơi tiếp nhận hồ sơ vay vốn, gia ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm.... Các điểm giao dịch được đặt tại các xã, thị trấn đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân trong việc vay vốn ngân hàng, giúp nhân dân tiết kiệm thời gian, chi phi đồng thời giúp chính quyền địa phương có điều kiện quan tâm hỗ trợ hộ nghèo cũng như các đối tượng chính sách khác trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.

Đồng thời, địa phương cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các Tổ Tiết kiệm và vay vốn trong quá trình hoạt động. Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân xã đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động tối thiểu 01 ấp/quý. Sau kiểm tra, chỉ đạo thông báo kết quả kiểm tra cho NHCSXH và Huyện hội để theo dõi và phối hợp khắc phục, chỉnh sửa những tồn tại, sai sót nếu có.

Bên cạnh hoạt động cho vay vốn, để giúp hộ vay sử dụng hiệu quả, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ Nông nghiệp, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động đề xuất phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tổ chức dạy nghề cho lao động tại địa phương, tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ vay vốn. Từ đó, thu hút hộ vay tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích. Nhiều hộ đạt mức thu nhập cao đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Minh Thi