Xuất bản thông tin

null Các địa phương vào cao điểm chống hạn

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

Các địa phương vào cao điểm chống hạn

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, những ngày giữa tháng 3/2021, xâm nhập mặn tại các cửa sông chính vùng ĐBSCL tăng cao. Thời gian này không xuất hiện mưa, nắng nóng diễn ra đến cuối tháng 4. Hạn hán xâm nhập mặn sẽ còn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công. Do đó, các địa phương trong khu vực đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nạo vét thủy lợi nội đồng

Dù là huyện đầu nguồn của Tỉnh, được đón nhận nguồn nước trực tiếp từ dòng Mê Kông đổ về hằng năm, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng trước dự báo về tình trạng thiếu nước trong mùa khô do các đập thủy điện thượng nguồn hạn chế xả nước xuống hạ lưu, nên chính quyền địa phương và nông dân trong huyện Hồng Ngự luôn chủ động ứng phó bằng nhiều giải pháp công trình và phi công trình.

Với trên 11.000ha lúa và 1.500ha hoa màu sản xuất mỗi vụ, các xã, thị trấn trong huyện đã dần định hình cho nông dân những vùng sản xuất chuyên canh theo đặc thù của địa phương. Trong đó các diện tích địa hình cao, nguy cơ thiếu nước, nông dân mạnh dạn thay thế lúa hè thu bằng những cây trồng chịu hạn như rau muống lấy hạt, mè, các loại cây họ đậu. Bên cạnh tiết kiệm nước, mô hình sản xuất xen canh lúa – hoa màu còn giúp nông dân thu lợi kép trong những năm qua. Anh Nguyễn Văn Trung, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp nói:

“Tháng nắng hạn mình làm lúa chi phí sẽ cao mà năng suất thấp nên lợi nhuận không có. Do vậy mình chuyển sang trồng mè. 1 công mè năng suất cũng từ 100kg, giá khoảng 30 ngàn là mình đã có lợi nhuận 1 công 2 triệu. Mè tưới nước rất ít, hạn chế sâu bệnh và chi phí cũng thấp luôn”.

Nhằm ứng phó với tình hình hạn hán, năm 2020 vừa qua, huyện Hồng Ngự triển khai thi công nạo vét các kênh mương, thủy lợi nội đồng, các cống, trạm bơm và cũng như điều tiết nước tưới phù hợp cho từng vùng sản xuất. Trong đó có 5 công trình trọng điểm phục vụ tưới tiêu gần 2.000ha đất sản xuất. Tiếp nối năm 2021, từ các nguồn vốn theo Nghị định 35, vốn thủy lợi phí và vốn lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã, thị trấn trong huyện tiếp tục thi công các hạng mục công trình theo kế hoạch phê duyệt.

Tăng cường các máy bơm phục vụ nước tưới vụ hè thu

Bên cạnh đó, đối với những vùng chuyên canh lúa, việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng phương pháp canh tác “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” cũng được ngành chức năng chủ động hướng dẫn nông dân thực hiện. Ông Huỳnh Văn Mẫm, Chủ nhiệm Tâm Việt Hội quán huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp nói:

“Hạn hán năm nay đối với vụ hè thu rất gay gắt. Để hạn chế nước tưới, bà con nông dân áp dụng giải pháp tưới nước – khô xen kẻ. Nghĩa là khi sạ 7 ngày cho vô nước đến 12 ngày mình bón cử phân, 4 – 5 ngày sau cho nước khô, cây lúa nở gốc sẽ ăn sâu xuống đất tìm nguồn nước uống, nhờ chỗ đó mà cây lúa nó cũng cứng cây hơn, ít bị đổ ngã trong vụ hè thu giông bão. Cái khô thứ 2 nữa là khi lúa đỏ đuôi mình cắt nước để lúa chắc chắn hơn. Cách này năm ngoái năm nay bà con áp dụng rất nhiều”.

 Với sự chủ động trong các giải pháp công trình và phi công trình Ngành Nông nghiệp huyện Hồng Ngự nhận định các địa phương sẽ đảm bảo đủ nước tưới cho tổng diện tích sản xuất gần 13 ngàn ha lúa và hoa màu ở địa phương. Ông Nguyễn Hoàng Nhung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết:

“Ngay từ đầu năm huyện Hồng Ngự chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống hạn. Trong đó chỉ đạo trực tiếp các đơn vị có liên quan, đặc biệt Phòng Nông nghiệp thường xuyên kiểm tra các hệ thống thủy lợi nội đồng, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ nạo vét các công trình. Các công trình thi công nạo vét hiện nay đang đảm bảo tốt nước tưới tiêu sản xuất của nông dân”.

            Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện tại Đồng Tháp chưa ghi nhận diện tích thiệt hại do hạn hán. Tuy nhiên, mực nước tại nhiều kênh rạch khu vực đầu nguồn đang xuống thấp hơn tháng 2 từ 0,5 – 0,6m, gây bất lợi cho sản xuất và đời sống của người dân. Hiện, toàn tỉnh có trên 800 công trình kênh trục, kênh cấp 2 chiều dài khoảng 4.000km và trên 3.400 cống, trạm bơm phục vụ diện tích gần 500 ngàn ha sản xuất. Song trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn trong vùng, Sở Nông nghiệp cũng đề nghị các địa phương chủ động các giải pháp ứng phó, đảm bảo vụ sản xuất hè thu đạt hiệu quả.

Minh Thi