Xuất bản thông tin

null Đổi thay từ đề án phát triển kinh tế biên giới

Trang chủ Tin tức

Đổi thay từ đề án phát triển kinh tế biên giới

Tỉnh Đồng Tháp có đường biên giới quốc gia (Việt Nam - Campuchia) dài 48,7 km, với 02 cửa khẩu quốc tế Thường Phước, Dinh Bà và 05 cửa khẩu phụ và 08 xã biên giới (trong đó huyện Hồng Ngự có 03 xã). Hệ thống hạ tầng nơi đây chưa được đầu tư đồng bộ, các hạ tầng cửa khẩu chợ đường biên chưa hoàn thiện, bình quân số tiêu chí nông thôn mới/xã là 5,17 tiêu chí, trình độ tay nghề lao động còn thấp, tổ chức sản xuất chủ yếu theo hình thức hộ gia đình. UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định số 256/QĐ-UBND ngày 19/3/2013 thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự 08 xã biên giới đến năm 2020.

Hội nghị tổng kết Đề án

          Là một trong 03 địa phương có đường biên giới giáp nước bạn Campuchia, huyện Hồng Ngự hiện có 03 xã biên giới là Thường Phước 1, Thường Lạc, Thường Thới Hậu A. Qua thực hiện Đề án, đã khơi gợi ý thức chủ động cải thiện chất lượng cuộc sống, tự lực vươn lên, gắn bó với biên giới, thể hiện niềm tự hào dân tộc, phát huy tinh thần tự giác đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, an ninh quốc gia của cộng đồng.

          Ông Trần Văn Bôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cho biết:

          Thực hiện Đề án, Huyện xác định phát triển nông nghiệp là nền tảng gắn với kinh tế biên mậu dịch và phát triển dịch vụ là điều kiện thúc đẩy kinh tế khu vực biên giới phát triển, tính đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm, tăng thu ngân sách đạt bình quân 10,12%, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, phát huy vai trò của người dân trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với ý thức bảo vệ biên giới.”

          Nhiều mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được áp dụng, thực hiện như: Mô hình quản lý dịch bệnh tổng hợp IPM; Mô hình phân bón thông minh; Mô hình phân vùi; Mô hình nuôi lươn; Mô hình giảm giá thành sản xuất lúa; Mô hình 2 lúa - tôm càng xanh; Mô hình 2 lúa - vịt - cá tự nhiên. Trong đó, mô hình tiểu dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười đã và đang được triển khai thực hiện tại các xã biên giới đã tác động tích cực đến đời sống người dân vùng biên, nhất là trong mùa nước nổi.

          Tính đến năm 2020, 03 xã biên giới đều có đường ô tô lưu thông đến trung tâm xã, có 99,77% hộ dân sử dụng điện lưới, hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,61%; có 02/03 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Thường Phước và Thường Lạc, riêngThường Thới Hậu A đạt 15 tiêu chí và được chọn làm xã điểm thực hiện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

          Ông Trần Văn Bôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cho biết thêm:

          Trong những năm qua, UBND Tỉnh, huyện đã ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư khu vực biên giới, tổng nguồn lực được huy động giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn 03 xã biên giới là 318.749 triệu đồng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu Cửa khẩu quốc tế Thường Phước và thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về thuế, kêu gọi đầu tư để thúc đẩy, phát triển các hoạt động giao thương vùng biên sôi động và ổn định hơn. Định hướng giai đoạn 2021-2025, xã Thường Phước 1 đạt tiêu chí đô thị loại V.

          Chất lượng giáo dục luôn được nâng cao qua từng năm. Công tác dạy nghề nông thôn được các địa phương quan tâm thực hiện, tỷ lệ lao động qua tào tạo nghề đạt 50%. Chất lượng dịch vụ y tế không ngừng được cải thiện, đặc biệt là công tác phòng chống dịch Covid-19.

          Thực hiện Đề án đã giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động, đã vận động đưa được 130 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, bảo trợ xã hội của Trung ương và địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17,43% đầu giai đoạn, đến cuối năm 2020 giảm còn 5,50%. Đời sống văn hóa của người dân vùng biên ngày càng được nâng cao. Hiện nay, có 3/3 xã biên giới đạt tiêu chí 19 về quốc phòng, an ninh.

          Có thể nói, Đề án phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự 08 xã biên giới  đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội vùng biên, thay đổi dần diện mạo nông thôn, đời sống người dân dần cải thiện, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ sở sản xuất đều gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân và biên phòng tòan dân. Đây sẽ là tiền đề kéo gần khoảng cách giữ thành thị và nông thôn, nhất là nông thôn biên giới trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.

Minh Thi