Xuất bản thông tin

null Cơ hội cho người lầm lỡ

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

Cơ hội cho người lầm lỡ

Chính sách hỗ trợ vốn vay cho những người từng lầm lỡ theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giúp nhiều người có cơ hội làm lại cuộc đời. Đây không chỉ được xem là đòn bẫy thực hiện công tác an sinh xã hội mà còn là chính sách nhân văn, ý nghĩa của Đảng, Nhà nước được triển khai vào cuộc sống.

Thăm các hộ được vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 

Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực từ tháng 10/2023. Đây là lần đầu tiên có một cơ chế cụ thể tạo điều kiện cho những người lầm lỡ được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống. Đồng thời, chính sách cũng khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Ông Nguyễn Kha Minh, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp: “Thứ nhất, điều kiện người chấp hành xong án tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 05 năm. Thời gian vay 120 tháng, mức vay tối đa là 100 triệu đồng, lãi suất 6,6%/năm. Người vay vốn chấp hành xong án tù vay thông qua hộ gia đình, có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, rõ ràng. Còn điều kiện vay vốn của cơ sở sản xuất kinh doanh mức tối đa là 02 tỷ, phải sử dụng 10% lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh.”

Tại huyện Hồng Ngự, thông qua các hội, đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ Tiết kiệm và vay vốn địa phương, đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã giải ngân cho 13 người chấp hành xong án phạt tù ở các xã, thị trấn, với mức vay từ 20 triệu đến 100 triệu đồng tùy phương án vay. Tổng vốn giải ngân gần 1 tỷ đồng. Nhờ được hướng dẫn chu đáo nên đa số các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích và chính sách đã phát huy giá trị nhân văn.

Bà Đỗ Thị Hường, Xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp nói: “Đợt sau này, tôi vay 70 triệu chăn nuôi cá mè dinh, cá leo. Bây giờ cá cũng lớn. Gia đình cũng khổ mà được nguồn vốn này gia đình cũng đỡ hơn. Ngoài chăn nuôi mình cũng làm này kia thêm để góp vô thêm để dư ra chút đỉnh”.

Thấu hiểu những rào cản của người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương, chính sách vay vốn này giúp họ vượt lên mặc cảm, chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế và tái hòa nhập cộng đồng. Trong suốt quá trình sử dụng vốn vay, các hộ vay luôn có sự đồng hành của các ban, ngành tại địa phương để giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, đông viên tích lũy và hoàn trả lãi, nợ gốc đúng định kỳ. Từ đó lan tỏa ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chính sách này.

Bà Trương Thị Tháp, Xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết: “Khổ quá vay vốn được 50 triệu, mua được 04 con bò nuôi. Không có số vốn này mình khổ lắm vì vay bên ngoài lãi cao mình không trả nổi. Nên nhờ chính quyền giúp đỡ cuộc sống mình nâng lên. Mình tích lũy được để trả nợ hàng tháng 1,3 triệu đồng”.

Để đưa tinh thần Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ  vào cuộc sống, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, chính quyền, đoàn thể, công an các địa phương tiếp tục rà soát, nắm bắt nhu cầu của các đối tượng cần vay vốn đảm bảo phương châm khách quan, minh bạch. Đồng thời, tạo điều kiện về công ăn việc làm, nguốn vốn tập trung phát triển sinh kế cho người lầm lỡ. Từ đó, giúp họ có niềm tin vào cuộc sống, tự giác tránh xa tệ nạn xã hội, góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Minh Thi