Xuất bản thông tin

null Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”

Thời gian qua, tội phạm lừa đảo với chiêu thức “việc nhẹ, lương cao” đã len lỏi đến tận thôn quê, đặc biệt là khu vực biên giới. Trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm, ngành chức năng, chính quyền các địa phương đang quyết liệt trong đấu tranh phòng ngừa loại tội phạm này. Liên quan đến nội dung này, Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Văn Đoàn – Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp.

Đại tá Trần Văn Đoàn

Phóng viên: Thưa ông! Những ngày vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc hơn 40 người Việt tháo chạy khỏi một casino ở Campuchia về Việt Nam. Theo ngành chức năng, trong vụ việc này, có cơ sở để khẳng định về dấu hiệu mua bán người. Liên quan đến vấn đề này, xin ông cho biết công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh thời gian qua?      

Đại tá Trần Văn Đoàn: Thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người trên cả nước đang có nhiều chuyển biến phức tạp, nhất là các địa bàn khu vực biên giới. Riêng Đồng Tháp cũng là một trong những tỉnh có đường biên giới giáp Campuchia, từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh mạnh đối với với loại tội phạm này, Công an tỉnh đã triển khai hiệu quả nhiều phương án, kế hoạch nghiệp vụ, chủ động tiếp xúc với Đồn Công an xuất nhập cảnh phía Campuchia để trao đổi thông tin, tình hình liên quan tội phạm tuyến biên giới giữa hai tỉnh Đồng Tháp – Prâyveng.

Qua đó, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh chưa phát hiện vụ án, vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người. Hiện cơ quan Công an đang khẩn trương xác minh 03 đơn trình báo về việc người dân Đồng Tháp có dấu hiệu bị đối tượng (không rõ tên, địa chỉ) trên Thành phố Hồ Chí Minh lừa đảo, tuyển dụng đưa sang Campuchia “làm việc nhẹ, lương cao” nhưng khi sang Campuchia lại bị đưa vào làm việc ở sòng bạc do người Trung Quốc quản lý.

Trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo 138 tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác phòng, chống mua bán người sang Campuchia; đồng thời, thường xuyên phối hợp lực lượng Công an Campuchia để trao đổi thông tin về tình hình tội phạm và tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này.

Phóng viên: Cụ thể, những hành vi, thủ đoạn mà tội phạm mua bán người thường sử dụng để dụ dỗ nạn nhân và thực hiện hành vi phạm tội là gì, thưa ông?

Đại tá Trần Văn Đoàn: Phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là thông qua các mối quan hệ xã hội hoặc sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo…, lập trang Web ảo để đăng thông tin tuyển dụng làm việc online với những thông tin “hấp dẫn” như: Việc nhẹ lương cao từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/tháng, không cần bằng cấp, được đào tạo có lương, bao mọi chi phí v.v. để tìm kiếm, dụ dỗ, lừa đảo người sang Campuchia làm việc. Sau khi nạn nhân đồng ý làm việc, các nhóm đối tượng người Việt Nam sẽ liên hệ với đối tượng bên Campuchia và tổ chức cho họ xuất cảnh hợp pháp sang Campuchia hoặc qua các đường tiểu ngạch của các tỉnh biên giới giáp với Campuchia.

Sau khi lừa được nạn nhân qua đến Campuchia, những người này được đưa đến các tòa nhà do người Trung Quốc thuê dài hạn hoặc cơ sở sòng bạc (do người Trung Quốc điều hành) với tiền lương ít ỏi, bị trừ nhiều chi phí. Tại đây, người lao động bị ép làm những công việc như: Đi lừa đảo, lập các nhóm Zalo, Facebook dẫn dụ người dân đánh bạc trực tuyến, chơi game bài online đổi tiền thưởng, đầu tư tài chính v.v.. Nạn nhân nếu không đáp ứng được công việc sẽ bị đánh đập, bỏ đói, chích điện, không cho liên lạc với gia đình; nếu muốn trở về Việt Nam thì phải đưa tiền chuộc từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, thời gian gần đây xuất hiện thủ đoạn mới là đưa người qua Thái Lan bằng đường chính ngạch, sau đó nhập cảnh trái phép vào Campuchia hoặc làm giấy tờ giả để nhập cảnh vào Campuchia.

Phóng viên: Trước những thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp, ngành Công an có những khuyến cáo, cảnh báo gì đối với người dân? Khi phát hiện những dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo cho đơn vị nào?

Đại tá Trần Văn Đoàn: Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết bản thân mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác tự bảo vệ mình và người thân - đây là yếu tố đặc biệt cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho bọn tội phạm hoạt động. Cụ thể:

+ Luôn cảnh giác với người lạ (kể cả người thân đi làm ăn xa trở về) có hành vi rủ rê hợp tác làm ăn, hứa hẹn tìm việc có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có; cảnh giác với những sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người mới quen biết.

+ Khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin qua nhiều kênh chính thống và liên hệ chính quyền địa phương, trung tâm giới thiệu việc làm để được tham gia các chương trình hợp tác lao động; tuyệt đối không tin lời của những người không quen biết hoặc tự tiện đi xuất khẩu lao động theo các đường tiểu ngạch, trốn ra nước ngoài bằng các đường mòn, lối mở. Trước khi đi xuất khẩu lao động hãy tham khảo ý kiến một số người có hiểu biết về lĩnh vực, địa điểm dự kiến đi đến và thông báo, nhắn gửi lại cho gia đình, người thân biết bạn đi đâu, làm gì, đi với ai.

+ Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp đỡ người thân khỏi bị mua bán. Cần ghi nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân v.v. để có thể liên hệ khi cần giúp đỡ.

+ Mỗi người cần có ý thức thường xuyên tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm mua bán người.

Khi phát hiện có dấu hiệu bị lừa đảo hoặc nạn nhân, đối tượng lừa đảo, người dân cần phản ánh với Công an địa phương gần nhất hoặc báo ngay đến đường dây nóng của Công an tỉnh qua số điện thoại 0693.620.112.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Văn Khương

Nguồn: dongthap.gov.vn