Xuất bản thông tin

null Đòn bẫy đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Chi tiết bài viết Tin hoạt động

Đòn bẫy đào tạo nghề cho lao động nông thôn

 “Trao cần câu hơn trao con cá” chính là chủ trương được huyện Hồng Ngự chú trọng thực hiện để tạo sinh kế bền vững và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Do vậy công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và kết nối sản phẩm đầu ra được các địa phương trong huyện quan tâm hiện nay.

Lao động nông thôn

Để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp, ngay từ đầu năm Phòng Lao động Thương binh và Xã hội chủ động tham mưu UBND huyện ban hành các kế hoạch, chính sách hỗ trợ người lao động tham gia. Năm 2022 vừa qua, huyện đã mở 14 lớp dạy nghề, so với chỉ tiêu 10 lớp, góp phần đào tạo nghề cho 300 lao động nông thôn. 90% sau khi hoàn thành khóa học có việc làm. Bà Huỳnh Thị Giang, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết:

“Phòng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát các lao động có nhu cầu cũng như định hướng nghề cho họ, để họ theo các lớp học nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho gia đình”.

Những lớp học như may công nghiệp, đan thảm lục bình, đan ghế, vận hành sửa chữa máy phun xịt thuốc, sửa kiểng Bonsai… đều xuất phát từ nhu cầu thực tế địa phương. Với các ngành nghề này, người lao động vừa có thể làm việc gia đình, vừa làm nghề để tăng thu nhập. Bà Đỗ Thị Vân, Thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nói:

“Học trong 15 ngày mình biết được kỹ thuật làm ra sản phẩm hoàn chỉnh. Sau đó Phụ nữ xã cũng cung cấp nguyên liệu cho mình làm. Tôi chuyên đan thảm, đan chậu bông. Chậu cũng đơn giản và dễ làm”.

Đào tạo nghề để nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động. Khi đã nắm kỹ thuật bà con có thể nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra cũng như tăng hiệu suất công việc tốt hơn. Thống kê của huyện, đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nâng lên từ 63% năm 2021 lên 77% năm 2022, trong đó trên 1.200 lao động trong huyện chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết:

“Để góp phần thực hiện tiêu chí thu nhập và tiêu chí hộ nghèo xây dựng nông thôn mới, Hội LHPN xã đã vận động thành lập được 05 Tổ Liên kết đan ghế nhựa, với khoảng 200 thành viên, thu nhập của các chị cũng từ 80 – 100 ngàn đồng một ngày”

Đối thoại với hộ nghèo, quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững được huyện Hồng Ngự chú trọng. Nhờ vậy đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 4,43% thì đến cuối năm giảm còn 3,14%. Và khi lao động có tay nghề cũng góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ tái nghèo trên địa bàn huyện.

Minh Thi